Đóng

Các Hoạt động

28/11/2023

Doanh nghiệp BĐS có nhiều cơ hội và thách thức

Tốc độ đô thị hóa tại TPHCM diễn ra khá nhanh, nhu cầu nhà ở của người dân ngày một gia tăng. Tuy nhiên yêu cầu của người dân, thị trường ngày càng khắt khe, buộc doanh nghiệp ngày càng chuyên nghiệp hơn để hội nhập sâu rộng với thế giới. 

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông LÊ HOÀNG QUÂN, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM, về cơ hội, thách thức cho doanh nghiệp BĐS trong thời gian tới.

Thưa Chủ tịch, là người đứng đầu Chính quyền TP, ông đánh giá thế nào về sự đóng góp của các doanh nghiệp BĐS vào sự phát triển của đất nước nói chung và TPHCM nói riêng?

Có thể nói BĐS có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế của đất nước nói chung và TPHCM nói riêng. Trong những năm gần đây, tốc độ đô thị hóa tại TPHCM diễn ra rất nhanh, giúp bộ mặt đô thị TP chúng ta ngày càng văn minh, hiện đại. Lĩnh vực BĐS phát triển sẽ kéo theo nhiều ngành kinh tế khác như công nghiệp xây dựng, vật liệu xây dựng… đóng góp phần rất lớn vào sự tăng trưởng chung của toàn TP.

 Khu vực đô thị có xu hướng phát triển mạnh ra các quận ven, huyện ngoại thành hình thành những khu dân cư với nhiều công trình nhà ở được đầu tư có môi trường sống tốt hơn, góp phần giải quyết chỗ ở cho người dân, giảm sự quá tải trong khu vực nội thành.

Hiện nay bình quân mỗi năm TP xây dựng hơn 8 triệu m2 nhà ở, đã từng bước giải quyết nhu cầu về nhà ở cho các tầng lớp Nhân dân, đạt bình quân 17m2/người về diện tích nhà ở; kế hoạch đến năm 2020 phấn đấu nâng chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân lên khoảng 20m2/người.

Nhiều chương trình về nhà ở cho người nghèo, đối tượng chính sách, sinh viên, công nhân… được doanh nghiệp hưởng ứng rất tích cực. Để có được diện mạo đô thị như ngày hôm nay và để đạt được mục tiêu sắp tới trong lĩnh vực quản lý đô thị phải kể đến công sức đóng góp, vai trò rất lớn của các doanh nghiệp BĐS vào quá trình phát triển của TP.

Chủ tịch đánh giá như thế nào về hoạt động của các doanh nghiệp BĐS trên địa bàn TP thời gian qua?

Tôi đánh giá cao các doanh nghiệp BĐS, bởi họ không chỉ góp phần chỉnh trang đô thị, tạo dựng diện mạo mới cho TP, mà còn góp phần tạo lập chỗ ở cho người dân. Tuy nhiên thời gian qua vẫn còn một vài nơi công tác đầu tư, thị trường đầu ra chưa tốt, dự án đình trệ, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, dẫn đến khiếu nại làm ảnh hưởng không tốt đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính.

Nhiều dự án chậm triển khai gây nên tình trạng lãng phí, nhếch nhác bộ mặt đô thị và thời gian qua TP đã kiên quyết thu hồi những dự án này để đô thị phát triển lành mạnh hơn.

Trong bối cảnh hiện nay, tôi cho rằng sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, không chỉ trong lĩnh vực BĐS mà ở nhiều lĩnh vực khác. Khách hàng, thị trường yêu cầu ngày càng cao, do đó trong thời kỳ hội nhập, sân chơi này chỉ dành cho những nhà phát triển dự án chuyên nghiệp.

Qua theo dõi tôi thấy một số doanh nghiệp đã thể hiện tính chuyên nghiệp rất cao, năng lực tốt có thể cạnh tranh vươn ra tầm quốc tế có thể kể đến như Novaland, Vingroup, Him Lam… Các doanh nghiệp này đã cùng TP góp phần tạo dựng diện mạo mới bộ mặt đô thị.

Thí dụ, Novaland đang triển khai gần 25 dự án với hơn 10.000 căn hộ trải dài trên nhiều quận, huyện với chất lượng, sản phẩm được khách hàng đánh giá cao, tạo một môi trường sống văn minh, hiện đại cho người dân TP, xóa đi sự cách biệt các sản phẩm trong và ngoài nước.

Novaland đã vượt qua những thách thức của thị trường BĐS khi triển khai dự án Sunrise City với tổng mức đầu tư lên đến 500 triệu USD  trong giai đoạn 2009-2012 để khẳng định tầm vóc của thương hiệu Việt. Đặc biệt là các dự án đều được xây dựng đúng tiến độ, đảm bảo về chất lượng, mỹ quan…

Cơ hội và thách thức gì cho các doanh nghiệp BĐS trong thời gian tới, thưa Chủ tịch?

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược nhà ở Quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Theo đó, diện tích nhà ở bình quân toàn quốc đạt khoảng 25m2 sàn/người; trong đó tại đô thị đạt 29m2 sàn/người, nông thôn đạt 22m2 sàn/người; phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở tối thiểu 8m2 sàn/người.

Trong giai đoạn 2016-2020, phấn đấu thực hiện đầu tư xây dựng tối thiểu khoảng 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị; đáp ứng cho khoảng 80% số sinh viên, học sinh các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, dạy nghề và khoảng 70% công nhân lao động tại các khu công nghiệp có nhu cầu được giải quyết chỗ ở; hỗ trợ khoảng 500.000 hộ gia đình (theo chuẩn nghèo mới) tại khu vực nông thôn cải thiện nhà ở…

Bên cạnh đó, tỷ lệ nhà ở chung cư trong các dự án phát triển nhà ở tại các đô thị loại đặc biệt (Hà Nội và TPHCM) đạt trên 90%, đô thị từ loại I đến loại II đạt trên 60%, đô thị loại III đạt trên 40% tổng số đơn vị nhà ở xây dựng mới; tỷ lệ nhà ở cho thuê đạt tối thiểu khoảng 30% tổng quỹ nhà ở tại các đô thị loại III trở lên. Đến năm 2030, phấn đấu đạt chỉ tiêu diện tích nhà ở bình quân toàn quốc khoảng 30m2 sàn/người, diện tích nhà ở tối thiểu đạt 12m2 sàn/người.

Để hướng đến mục tiêu trên, ngoài trách nhiệm của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp nhà nước, vai trò của các doanh nghiệp tư nhân, cổ phần rất quan trọng. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức cho doanh nghiệp. Vừa qua một loạt dự luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh BĐS có hiệu lực, như Luật Nhà ở 2014, Luật Đầu tư kinh doanh BĐS 2014… có nhiều điểm mới tạo điều kiện thông thoáng hơn cho người dân, doanh nghiệp khi đầu tư, chuyển nhượng nhà, đất.

Thời gian qua Chính phủ cũng có những gói tài chính kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp, người mua nhà như gói 30.000 tỷ đồng. Nhu cầu chỗ ở lớn, luật pháp ngày càng thuận lợi hơn nhưng cũng chặt chẽ hơn. Do đó tôi hy vọng thị trường BĐS trong thời gian tới có những phát triển tốt và bền vững hơn.

Xin cảm ơn Chủ tịch.

Theo Đỗ Trà Giang